HỆ THỐNG BẬC XẾP HẠNG TÍN NHIỆM

Saigon Ratings xây dựng và sử dụng thống nhất hệ thống Bậc xếp hạng tín nhiệm với các chữ cái làm biểu tượng chính, nhằm cung cấp một hệ thống bảng tiêu chuẩn phục vụ cho việc đánh giá và so sánh tín dụng tương đối cho các đối tượng được xếp hạng tín nhiệm, theo các nguyên tắc cơ bản sau:

  • Bậc xếp hạng rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo khả năng so sánh giữa các bậc xếp hạng tín nhiệm;
  • Bậc xếp hạng tín nhiệm được xếp theo thứ tự từ cao nhất đến thấp nhất về khả năng thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ của tổ chức.

Hệ thống Bậc xếp hạng tín nhiệm của Saigon Ratings, bao gồm ngắn hạn và dài hạn, nhằm biểu thị và phản ánh nhận định, đánh giá một cách khách quan, độc lập của Saigon Ratings về khả năng thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ của các đối tượng tổ chức trong ngắn hạn và dài hạn. Hệ thống Bậc xếp hạng tín nhiệm mô tả khả năng trả nợ từ mức cao nhất (Cực kỳ mạnh mẽ) đến mức thấp nhất (Vỡ nợ các nghĩa vụ tài chính).

Saigon Ratings đưa ra các định nghĩa rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu của từng mức, bậc trong hệ thống Bậc xếp hạng tín nhiệm và áp dụng các mức, bậc đó một cách nhất quán cho tất cả các loại hình tổ chức được xếp hạng tín nhiệm.

THANG DÀI HẠN

Mức xếp hạng Định nghĩa
vnAAA Một tổ chức được xếp hạng vnAAA có khả năng rất cao trong việc thực hiện các cam kết tài chính. vnAAA là mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất trong thang điểm của Saigon Ratings.
vnAA Một tổ chức được xếp hạng vnAA có khả năng cao trong việc thực hiện các cam kết tài chính. Đồng thời, mức xếp hạng vnAA cũng không quá cách biệt so với mức xếp hạng vnAAA.
vnA Một tổ chức được xếp hạng vnA có khả năng tương đối cao trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, tuy nhiên khả năng này có thể bị tác động trước các thay đổi bất lợi trong môi trường kinh doanh và điều kiện kinh tế.
vnBBB Một tổ chức được xếp hạng vnBBB có khả năng thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính. Tuy nhiên, khả năng này dễ bị tác động trước các thay đổi bất lợi trong môi trường kinh doanh và điều kiện kinh tế.
vnBB Một tổ chức được xếp hạng vnBB sẽ ít bị ảnh hưởng trong ngắn hạn hơn các nhà phát hành bị xếp hạng thấp hơn. Tuy nhiên, việc dễ phải chịu ảnh hưởng lớn từ những vấn đề bất ổn trong hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh tế, tài chính bất lợi có thể khiến doanh nghiệp/ định chế không đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính.
vnB Một tổ chức được xếp hạng ở mức vnB sẽ có khả năng vỡ nợ cao hơn mức vnBB, song vẫn đủ khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính. Các điều kiện kinh doanh, tài chính, kinh tế bất lợi hoàn toàn có thể làm suy giảm khả năng hay mức độ sẵn sàng đáp ứng các cam kết tài chính.
vnCCC Một tổ chức xếp hạng vnCCC đang trong tình trạng dễ bị tác động tiêu cực bởi rủi ro mất khả năng thanh toán và chỉ đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính khi tình hình kinh doanh, tài chính, kinh tế ở điều kiện thuận lợi.
vnCC Một tổ chức xếp hạng vnCC đang trong tình trạng phải đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán. Viễn cảnh vỡ nợ chưa xảy ra nhưng theo ước đoán sẽ xảy ra trong tương lai, mặc dù chưa chắc chắn về thời điểm vỡ nợ.
vnR Một tổ chức xếp hạng vnR đang bị đặt dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền do tình hình tài chính của họ. Trong quá trình giám sát, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu bên đi vay ưu tiên thanh toán một hay một vài khoản nợ trước các khoản nợ khác.
vnSD và vnD Mức xếp hạng tín nhiệm vnSD hoặc vnD áp dụng cho các tổ chức đã mất khả năng thanh toán với một hay nhiều nghĩa vụ nợ khi tới hạn, kể cả nghĩa vụ được xếp hạng hay chưa xếp hạng, ngoại trừ các nghĩa vụ phát sinh từ công cụ lai được tính trong vốn pháp định hay không cần thanh toán. Mức xếp hạng tín nhiệm vnD được áp dụng khi có cơ sở đầy đủ để nhận định rằng tổ chức đã vỡ nợ toàn diện và không thể thanh toán toàn bộ hay gần như toàn bộ nghĩa vụ nợ khi tới hạn.

Mức xếp hạng tín nhiệm vnSD được áp dụng khi có cơ sở đầy đủ để nhận định rằng tổ chức đã vỡ nợ một phần đối với một nghĩa vụ nợ cụ thể hoặc một loại nghĩa vụ nợ, song vẫn sẽ đáp ứng đúng hạn với các nghĩa vụ hay loại nghĩa vụ nợ còn lại. Xếp hạng tín nhiệm với tổ chức bị hạ xuống mức vnSD hay vnD nếu doanh nghiệp/ định chế đó đang trong quá trình giải thể hoặc sát nhập để giải quyết khủng hoảng.

* Các mức xếp hạng từ ‘vnAA’ tới ‘vnCCC’ có thể được điều chỉnh bắng cách bổ sung dấu cộng “+” hay dấu trừ “-” để thể hiện mức tín nhiệm tương đối giữa các doanh nghiệp/định chế trong cùng một hạng.

THANG NGẮN HẠN

Mức xếp hạng Định nghĩa
vnA-1 vnA-1 là mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cao nhất cho một tổ chức phát hành trong thang điểm của Saigon Ratings. Khả năng của tổ chức phát hành trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ khoản nợ là cao. Trong hạng vnA-1, các tổ chức phát hành có độ an toàn tín dụng cao nhất sẽ được đánh giá ở mức vnA-1+, đồng nghĩa bên đi vay có khả năng đáp ứng các cam kết tài chính rất cao.
vnA-2 Một tổ chức phát hành có mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn vnA-2 sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi trong môi trường kinh doanh và tình hình kinh tế hơn mức xếp hạng vnA-1. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng vào khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của tổ chức phát hành.
vnA-3 Một tổ chức phát hành có mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn vnA-3 thể hiện khả năng đáp ứng đầy đủ các cam kết tài chính của tổ chức phát hành. Tuy nhiên, khả năng này dễ bị tác động bởi các thay đổi bất lợi trong môi trường kinh doanh và điều kiện kinh tế hơn các mức xếp hạng cao hơn.
vnB Một tổ chức phát hành có mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn vnB dễ bị tác động tiêu cực bởi rủi ro phá sản và có các tính chất đầu cơ rõ rệt. Mặc dù bên đi vay vẫn đủ khả năng thanh toán các nghĩa vụ phát sinh từ khoản vay, song phải đối mặt với nhiều bất ổn trong hoạt động kinh doanh mà có thể dẫn tới việc thiếu hụt khả năng đáp ứng các cam kết tài chính.
vnC Một tổ chức phát hành có mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn vnC đang trong tình trạng dễ bị tác động tiêu cực và bên đi vay chỉ đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính khi tình hình kinh doanh, tài chính, kinh tế ở điều kiện thuận lợi.
vnR Một tổ chức phát hành xếp hạng vnR đang bị đặt dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền do tình hình tài chính của họ. Trong quá trình giám sát, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu bên đi vay ưu tiên thanh toán một hay một vài khoản nợ trước các khoản nợ khác.
vnSD và vnD Mức xếp hạng tín nhiệm vnSD hoặc vnD áp dụng cho các tổ chức phát hành đã mất khả năng thanh toán với một hay nhiều nghĩa vụ nợ khi tới hạn, kể cả nghĩa vụ được xếp hạng hay chưa xếp hạng, ngoại trừ các nghĩa vụ phát sinh từ công cụ lai được tính trong vốn pháp định hay không cần thanh toán. Tổ chức phát hành được đánh giá là đã vỡ nợ, trừ khi có cơ sở hợp lý để xác định các nghĩa vụ tài chính sẽ được thực hiện trong thời gian gia hạn nợ (không tính quá 5 ngày).

Mức xếp hạng tín nhiệm vnD được áp dụng khi có cơ sở đầy đủ để nhận định rằng tổ chức phát hành đã vỡ nợ toàn diện và không thể thanh toán toàn bộ hay gần như toàn bộ nghĩa vụ nợ khi tới hạn.

Mức xếp hạng tín nhiệm vnSD được áp dụng khi có cơ sở đầy đủ để nhận định rằng tổ chức phát hành đã vỡ nợ một phần đối với một nghĩa vụ nợ cụ thể hoặc một loại nghĩa vụ nợ, song vẫn sẽ đáp ứng đúng hạn với các nghĩa vụ hay loại nghĩa vụ nợ còn lại. Xếp hạng tín nhiệm với tổ chức phát hành bị hạ xuống mức vnSD hay vnD nếu doanh nghiệp/ định chế đó đang trong quá trình giải thể hoặc sát nhập để giải quyết khủng hoảng.

Saigon Ratings sử dụng các ký hiệu mức xếp hạng: ‘vnAAA’, ‘vnBB’, hoặc ‘vnCC’ để thể hiện đánh giá rủi ro tín dụng tương đối. Trong đó, ký hiệu mức xếp hạng ‘vnAAA’ biểu thị khả năng thanh toán tốt nhất; ký hiệu mức xếp hạng ‘vnC’ hoặc ‘vnD’ biểu thị khả năng thanh toán yếu kém nhất, hoặc có thể được hiểu đây là mức xếp hạng vỡ nợ, mất khả năng thanh toán.

Hệ thống bậc xếp hạng tín nhiệm thang ngắn hạn có ít bậc hơn thang dài hạn, bắt đầu từ ‘vnA-1’ (biểu thị về khả năng thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ ở mức độ cao nhất) đến bậc ‘vnD’ (biểu thị cho việc tổ chức phát hành đã mất khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ). Vì vậy, thông thường mỗi bậc xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn có thể tương ứng với một khoảng bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn. Ví dụ, bậc xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn ‘vnA-1+’ có thể tương ứng với các bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn: ‘vnAAA’, ‘vnAA+’, ‘vnAA’ và ‘vnAA-’.

Xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn và dài hạn có mối quan hệ hữu cơ mật thiết với nhau: nếu xếp hạng tín nhiệm dài hạn của một tổ chức bị hạ bậc, thì xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cũng có thể bị hạ bậc tương ứng.

THANG DÀI HẠN

Mức xếp hạng Định nghĩa
vnAAA vnAAA là mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất cho một công cụ nợ trong thang điểm xếp hạng quốc tế của Saigon Ratings. Khả năng của nhà phát hành nợ trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ khoản nợ là rất cao.
vnAA Mức xếp hạng vnAA đối với một công cụ nợ không có sự cách biệt đáng kể so với mức xếp hạng vnAAA. Nhà phát hành nợ có khả năng cao trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ khoản nợ.
vnA Một công cụ nợ được xếp hạng vnA sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi từ môi trường kinh doanh và tình hình kinh tế hơn mức xếp hạng vnAAA và vnAA. Tuy nhiên, khả năng của nhà phát hành nợ trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính vẫn tương đối cao.
vnBBB Một công cụ nợ được xếp hạng vnBBB thể hiện khả năng đáp ứng đầy đủ các cam kết tài chính của nhà phát hành nợ. Tuy nhiên, khả năng này dễ bị tác động bởi các thay đổi bất lợi trong môi trường kinh doanh và điều kiện kinh tế hơn các mức xếp hạng cao hơn.
vnBB Một công cụ nợ được xếp hạng vnBB sẽ ít bị ảnh hưởng trong ngắn hạn hơn các nghĩa vụ bị xếp hạng thấp hơn. Tuy nhiên, việc dễ chịu tác động tiêu cực từ những vấn đề bất ổn trong hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh tế, tài chính bất lợi có thể gây tổn hại tới khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của khoản nợ.
vnB Một công cụ nợ được xếp hạng ở mức vnB sẽ có khả năng vỡ nợ cao hơn mức vnBB, song bên đi vay vẫn đủ khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính. Các điều kiện kinh doanh, tài chính, kinh tế bất lợi hoàn toàn có thể làm suy giảm khả năng hay mức độ sẵn sàng đáp ứng các cam kết tài chính của nhà phát hành nợ.
vnCCC Một công cụ nợ xếp hạng vnCCC đang trong tình trạng dễ bị tác động tiêu cực và bên đi vay chỉ đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính khi tình hình kinh doanh, tài chính, kinh tế ở điều kiện thuận lợi. Nếu tình hình trở nên bất lợi, thì bên đi vay sẽ đối mặt với khả năng cao không thể đáp ứng các khoản thanh toán tới hạn.
vnCC Một công cụ nợ xếp hạng vnCC đang trong tình trạng phải đối mặt với rủi ro cao mất khả năng thanh toán. Viễn cảnh vỡ nợ chưa xảy ra nhưng theo ước đoán sẽ xảy ra trong tương lai, dù chưa chắc chắn về thời điểm vỡ nợ.
vnC Một công cụ nợ xếp hạng vnC đang trong tình trạng phải đối mặt với rủi ro cao mất khả năng thanh toán, và công cụ nợ được dự báo là có mức độ ưu tiên thanh toán hoặc tỉ lệ thu hồi nợ khi phá sản thấp hơn các nghĩa vụ được xếp hạng cao hơn.
vnD Khi một công cụ nợ bị xếp hạng ở mức vnD, nghĩa là nhà phát hành nợ đã mất khả năng thanh toán với khoản nợ hoặc vi phạm các điều khoản đã cam kết với bên cho vay. Đối với công cụ tài chính không phải công cụ lai, mức xếp hạng vnD được áp dụng khi các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ khoản nợ không được đáp ứng đúng thời hạn, trừ khi có cơ sở hợp lý để xác định các nghĩa vụ sẽ được thực hiện trong thời gian gia hạn nợ. Mức xếp hạng tín nhiệm vnD còn được áp dụng khi bên đi vay đang trong quá trình nộp đơn xin phá sản, hoặc có các động thái tương tự, và khi khả năng khoản nợ không thể được thanh toán chắc chắn xảy ra. Một công cụ nợ có thể bị hạ mức xếp hạng xuống hạng vnD khi khoản nợ đang trong quá trình mua bán hay tái cấu trúc nhằm giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán của bên đi vay.
* Các mức xếp hạng từ ‘vnAA’ tới ‘vnCCCC’ có thể được điều chỉnh bng cách bổ sung dấu cộng “+” hay dấu trừ “-” để thể hiện bậc tín nhiệm tương đối giữa các công cụ nợ trong cùng một mức.

THANG NGẮN HẠN

Mức xếp hạng Định nghĩa
vnA-1 vnA-1 là mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cao nhất cho một công cụ nợ trong thang điểm của Saigon Ratings. Khả năng của nhà phát hành nợ trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ khoản nợ là cao. Trong hạng vnA-1, các công cụ nợ có độ an toàn tín dụng cao nhất sẽ được đánh giá ở mức vnA-1+, đồng nghĩa bên đi vay có khả năng đáp ứng các cam kết tài chính rất cao.
vnA-2 Một công cụ nợ có mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn vnA-2 sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi trong môi trường kinh doanh và tình hình kinh tế hơn mức xếp hạng vnA-1. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng vào khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của nhà phát hành nợ.
vnA-3 Một công cụ nợ có mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn vnA-3 thể hiện khả năng đáp ứng đầy đủ các cam kết tài chính phát sinh từ khoản vay của nhà phát hành nợ. Tuy nhiên, khả năng này dễ bị tác động bởi các thay đổi bất lợi trong môi trường kinh doanh và điều kiện kinh tế hơn các mức xếp hạng cao hơn.
vnB Một công cụ nợ có mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn vnB dễ bị tác động tiêu cực bởi rủi ro phá sản và có các tính chất đầu cơ rõ rệt. Mặc dù bên đi vay vẫn đủ khả năng thanh toán các nghĩa vụ phát sinh từ khoản vay, song phải đối mặt với nhiều bất ổn trong hoạt động kinh doanh mà có thể dẫn tới việc thiếu hụt khả năng đáp ứng các cam kết tài chính.
vnC Một công cụ nợ có mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn vnC đang trong tình trạng dễ bị tác động tiêu cực và bên đi vay chỉ đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính khi tình hình kinh doanh, tài chính, kinh tế ở điều kiện thuận lợi.
vnD Khi một công cụ nợ có xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn ở mức vnD, nghĩa là nhà phát hành nợ đã mất khả năng thanh toán với khoản nợ hoặc vi phạm các điều khoản tranh chấp với bên cho vay. Đối với công cụ nợ không phải công cụ lai, mức xếp hạng vnD được áp dụng khi các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ khoản nợ không được đáp ứng đúng thời hạn, trừ khi có cơ sở hợp lý để xác định các nghĩa vụ sẽ được thực hiện trong thời gian gia hạn nợ. Mức xếp hạng tín nhiệm vnD còn được áp dụng khi bên đi vay đang trong quá trình nộp đơn xin phá sản, hoặc có các động thái tương tự, và khi khả năng khoản nợ không thể được thanh toán chắc chắn xảy ra. Một khoản nợ có thể bị hạ mức xếp hạng xuống hạng vnD khi nó đang trong quá trình mua bán hay tái cấu trúc nhằm giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán của bên đi vay.

Saigon Ratings sử dụng các ký hiệu mức xếp hạng: ‘vnAAA’, ‘vnBB’, hoặc ‘vnCC’ để thể hiện đánh giá rủi ro tín dụng tương đối. Trong đó, ký hiệu mức xếp hạng ‘vnAAA’ biểu thị khả năng thanh toán tốt nhất; ký hiệu mức xếp hạng ‘vnC’ hoặc ‘vnD’ biểu thị khả năng thanh toán yếu kém nhất, hoặc có thể được hiểu đây là mức xếp hạng vỡ nợ, mất khả năng thanh toán.

Hệ thống bậc xếp hạng tín nhiệm thang ngắn hạn có ít bậc hơn thang dài hạn, bắt đầu từ ‘vnA-1’ (biểu thị về khả năng thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ ở mức độ cao nhất) đến bậc ‘vnD’ (biểu thị cho việc tổ chức phát hành đã mất khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ). Vì vậy, thông thường mỗi bậc xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn có thể tương ứng với một khoảng bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn. Ví dụ, bậc xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn ‘vnA-1+’ có thể tương ứng với các bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn: ‘vnAAA’, ‘vnAA+’, ‘vnAA’ và ‘vnAA-’.

Xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn và dài hạn có mối quan hệ hữu cơ mật thiết với nhau: nếu xếp hạng tín nhiệm dài hạn của một tổ chức bị hạ bậc, thì xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cũng có thể bị hạ bậc tương ứng.