Nâng cao công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam

(TBTCO) – Sáng ngày 1/3, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) (QLN&TCĐN) phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức hội thảo với chủ đề “Nâng cao mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam”.

Tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm của quốc gia

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục QLN&TCĐN cho biết, hội thảo cung cấp những thông tin cơ bản về xếp hạng tín nhiệm (XHTN), gồm vai trò của công tác XHTN, cập nhật phương pháp xếp hạng của các tổ chức XHTN lớn trên thế giới; thực trạng công tác tác XHTN của Việt Nam và kinh nghiệm về công tác XHTN quốc gia của một số nước trong khu vực.

Ông Long mong muốn, qua hội thảo, các đại biểu có thể tham khảo để trong quá trình quản lý, ban hành chính sách nhằm góp phần cải thiện các yếu tố tác động đến mức xếp hạng, đồng thời làm tốt hơn công tác XHTN hiện nay.

Thủ tướng đã có Quyết định số 304/QĐ-TTg phê duyệt nội dung Đề án nâng cao định mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, trong đó đặt ra mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 nâng mức XHTN quốc gia lên mức đầu tư, đạt mức XHTN từ Baa3 (Moody’s) hoặc BBB- (S&P và Fitch) trở lên.

Đi sâu vào nội dung chính của hội thảo, ông Long khẳng định, hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số phản ánh toàn bộ diễn biến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, tài chính, tiền tệ, tín dụng và khả năng hoàn trả đúng hạn tiền gốc, lãi trong danh mục nợ quốc gia.

Bởi theo ông Long, đây là chỉ số cơ bản được các nhà đầu tư xem xét như một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó.

Do vậy, XHTN làm tăng mức độ hiệu quả của thị trường, hỗ trợ nhà đầu tư, người phát hành nợ tiếp cận thị trường vốn và giảm chi phí vay thương mại của Chính phủ, các DN, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác trên thị trường vốn quốc tế.

“Việc cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Một mặt, đây là vấn đề về uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Mặt khác, sẽ giúp Chính phủ, DN, định chế tài chính nhà nước và các tổ chức tín dụng khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế”, ông Long phát biểu.

Ông Long nêu ví dụ, nếu nâng được mức XHTN quốc gia (BB-) như hiện nay lên mức BBB thì chi phí huy động vốn vay sẽ giảm 2,5%.

“XHTN giúp cho nhà phát hành, kể cả Chính phủ và DN có thể tham gia vào nhiều thị trường vốn khác nhau, vì các thị trường phát hành đều đòi hỏi nhà phát hành phải được XHTN bởi các cơ quan XHTN khi các nhà phát hành tham gia thị trường để huy động vốn; thậm chí XHTN phải đạt một mức độ tối thiểu nhất định. Mức XHTN càng cao thì chi phí vay càng giảm. Vì vậy, cải thiện mức XHTN của quốc gia cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa”, ông Long nêu rõ quan điểm.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Sebastian Eckardt – chuyên gia kinh tế trưởng WB cho rằng, hệ số tín nhiệm quốc gia có ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế chứ không riêng khu vực nhà nước, vì vậy các nước trên thế giới và cả Việt Nam cần có 1 hệ thống chính sách phù hợp và công khai thông tin ra ngoài.

Cho ý kiến về việc nâng hệ số tín nhiệm, ông Sebastian Eckardt cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang quốc gia có thu nhập trung bình cao, việc tiếp cận các nguồn vốn sẽ có thay đổi. Do vậy, Việt Nam cần quan tâm đến rủi ro tín dụng của nhà nước cũng như chi phí của huy động vốn.

Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam vừa qua phát triển khá ổn định, gần đây lãi suất trái phiếu chính phủ đã giảm khá mạnh nên hệ số tín nhiệm được đánh giá cao hơn; dự trữ vốn ngày càng tăng lên. Chính vì vậy, Việt Nam cần tận dụng đà phát triển này để có bước đi tiếp theo nhằm đạt mục tiêu hạn mức đầu tư.

4 nội dung trọng tâm chính để nâng cao độ tín nhiệm của Việt Nam

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế khi làm việc với các tổ chức định mức tín nhiệm, ông Scott Wong – chuyên gia tư vấn quốc tế của ngân hàng Standard Chartered nêu ra 4 thông điệp nhằm cải thiện mức tín nhiệm của Việt Nam.

Theo đó, để tăng cường nền tảng tín nhiệm, cần phân tích các báo cáo tín nhiệm hiện tại và chỉ ra những bất cập hoặc yếu kém, sai có thể được phản biện. Thực hiện phân tích so sánh các chỉ tiêu về tín nhiệm của Việt Nam so với các quốc gia được đánh giá và dự báo. Xác định các sự kiện bên ngoài có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và cách thức có thể cải thiện. Xác định các mốc thời gian hợp lý để thể hiện cải thiện cho những bất cập được xác định.

Tiếp đến là tạo nên cốt chuyện thống nhất và mạch lạc về độ tín nhiệm: Đảm bảo câu chuyện tổng thể về độ tín nhiệm thể hiện mục tiêu chính sách dài hơn, qua đó có thể xem xét các diễn biến hiện nay. Cải thiện phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm tăng cường cho cốt truyện. Thực hiện báo cáo riêng cho các quan chức chính phủ và đại diện trước khi có cuộc họp quan trọng với các tổ chức đánh giá tín nhiệm.

Bên cạnh đó, tạo bố cục để đối thoại nhất quán với các tổ chức đánh giá định mức và nhà đầu tư: Đảm bảo tham gia các buổi làm việc cấp cao để đưa ra ý kiến về chính sách và chiến lược dài hạn. Mời nhóm phân tích và quản lý của họ tham gia các chuyến thăm đánh giá hàng năm, các buổi tiếp tân chính thức và các sự kiện công bố lớn. Cung cấp thông tin quan trọng theo yêu cầu của các tổ chức đánh giá định mức và theo dõi kiểm tra các bước tiếp theo.

Phối hợp chặt chẽ với chuyên gia phân tích quốc gia trong suốt quá trình đánh giá định mức của họ: Cập nhật cho nhóm phân tích về những diễn biến và công bố quan trọng của quốc gia càng sớm càng tốt. Thể hiện mối quan hệ liên ngành có phối hợp trong quá trình làm việc với các tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm. Tiến hành các buổi làm việc ngoài kế hoạch với nhóm phân tích, như trong các nhóm tài chính trong các chuyến công tác định kỳ của chính phủ. Tổ chức thăm thực địa định kỳ tới những dự án phát triển quan trọng./.

Chính phủ bắt đầu hợp tác chính thức với 3 tổ chức XHTN quốc tế, gồm Moody’s (2005), Standard & Poor’s (2005) và Fitch (2014). Hiện nay có 8 ngân hàng thương mại của Việt Nam có hợp tác thường xuyên và có kết quả xếp hạng tín nhiệm được đánh giá bởi 1 trong 3 tổ chức nói trên.
Một số Tổng công ty như EVN, PVN, Vinacomin cũng đã có những trao đổi ban đầu với các tổ chức XHTN quốc tế khi có ý định phát hành trái phiếu DN ra thị trường vốn quốc tế.
Một số tổ chức trong nước cũng có công bố kết quả XHTN cho DN hoặc ngân hàng như Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), Vietnamreport, VCCI.

Theo Đức Minh – thoibaotaichinhvietnam