NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC VỚI KINH TẾ VIỆT NAM 2025

Tăng trưởng GDP Việt Nam quý I/2025 cao hơn cùng kỳ trong 5 năm gần đây và cao hơn kịch bản tăng trưởng ban đầu. Tuy nhiên, nền kinh tế đang phải đối mặt nhiều hạn chế, bất cập và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro lớn…

Hoạt động giao thương thương mại toàn cầu đang đối diện với những điều kiện bất ổn chính sách thương mại cực lớn và khó dự báo,liên quan đến các thay đổi chính sách thuế quan của Chính phủ Mỹ. Chính sách thuế quan mới của Mỹ trong thời gian tới, được dự báo là sẽ có nhiều tác động trực tiếp mạnh đến thị trường tài chính, thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu và lưu chuyển dòng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu trong ngắn và trung hạn.

Các nhân tố rủi ro mới phát sinh trên toàn cầu

Thứ nhất, rào cản thương mại gia tăng và sự phân mảnh nhiều hơn của nền kinh tế toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu và góp phần gây ra lạm phát. Sự gia tăng các rào cản thương mại mới, chủ yếu là của các nền kinh tế phát triển thường ảnh hưởng khác nhau đến các nền kinh tế thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển, gây rủi ro cho hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu. Căng thẳng thương mại gia tăng, có thể sẽ gây ra hệ quả đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu; các nước trên thế giới đã có các phản ứng khác nhau, tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn định nền kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, bất ổn địa chính trị và chính sách có khả năng kìm hãm tăng trưởng. Xung đột và căng thẳng địa chính trị leo thang, bao gồm cuộc xung đột tại Ukraine, các sự kiện ở Trung Đông và bất ổn ở những khu vực khác, có thể làm gián đoạn thị trường thương mại và hàng hóa toàn cầu, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Thứ ba, lạm phát cao hơn dự kiến sẽ khiến chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và có thể dẫn đến việc định giá lại gây gián đoạn trên thị trường tài chính thế giới. Áp lực lạm phát tái phát có thể làm cho lãi suất tăng cao trong thời gian dài hơn, gia tăng gánh nặng trả nợ. Lạm phát toàn cầu dai dẳng và tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt, là nguy cơ giảm tăng trưởng, đặc biệt đối với các quốc gia nhập khẩu dầu.

Thứ tư, tăng trưởng yếu hơn ở các nền kinh tế lớn Trung Quốc và Mỹ, gây rủi ro giảm tăng trưởng toàn cầu. Lạm phát tăng trở lại hoặc bất ngờ giảm tăng trưởng kinh tế có thể gây ra sự định hình lại nhanh chóng trên thị trường tài chính và sự gia tăng hơn nữa biến động thị trường toàn cầu.

Thứ năm, các thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu xảy ra thường xuyên và thiệt hại nhiều hơn gây rủi ro giảm tăng trưởng, khi có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế thế giới.

Rủi ro với kinh tế Việt Nam 2025

Tăng trưởng GDP Việt Nam quý I/2025, đạt khoảng 6,93%, cao hơn cùng kỳ trong 5 năm gần đây và cao hơn kịch bản tăng trưởng ban đầu, cho dù vẫn thấp hơn kịch bản tăng trưởng mới. Cả 03 khu vực chính của nền kinh tế, bao gồm công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro lớn như sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất còn lớn; sức mua phục hồi chậm; chính sách đất đai, thị trường bất động sản còn có những bất cập; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn cùng kỳ năm 2024. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao do hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, khả năng chống chịu trước các cú sốc từ môi trường bên ngoài chưa cao. Vì vậy, những biến động trên thế giới đều có thể có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế quốc gia.

Việc Chính phủ Mỹ công bố thực hiện chính sách thuế quan mới được dự báo sẽ có những ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển kinh tế mới theo hướng tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc hoạt động cả xuất khẩu và nhập khẩu tránh phụ thuộc vào một thị trường chính, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh và kiểm soát chặt chẽ, minh bạch thông tin xuất xứ hàng hóa sản xuất trong thời gian tới.

Việt Nam cần phải nhanh chóng chuyển đổi từ chiến lược xuất khẩu hàng hóa giá rẻ sang mô hình xuất khẩu dựa trên giá trị gia tăng và nâng cao giá trị nội tại của sản phẩm nhằm đối phó hiệu quả với chính sách thuế đối ứng của Mỹ cả trước mắt và lâu dài để xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường và được hỗ trợ bởi một hệ thống đảm bảo tăng trưởng có tính ổn định, bền vững cao.

Trong bối cảnh diễn biến thị trường bất lợi như hiện nay, Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa, thực hiện các giải pháp khả thi nhằm tận dụng tối đa về lợi thế so sánh so với nhiều quốc gia khác, khi chúng ta đang có 17 Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết với hơn 60 quốc gia trên thế giới. Đây là chìa khóa để thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và gia tăng năng lực cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư FDI trong thời gian tới.

Trong năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam 8% dự kiến sẽ dựa vào 3 động lực chính, đó là xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh tổng cầu thế giới dần gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công, giữ vững ổn định vĩ mô tạo niềm tin và động lực cho việc thu hút dòng vốn FDI; và kích thích tiêu dùng cuối cùng trong nước (chiếm khoảng 63% GDP), phản ánh vai trò quan trọng của động lực này đối với tăng trưởng kinh tế.

Nhận định những khó khăn, thách thức lớn năm 2025

Thứ nhất, nhu cầu từ bên ngoài của một số nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn còn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng và những bất ổn liên quan đến chính sách Mỹ có thể tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu, việc làm và triển vọng kinh tế toàn cầu khó khăn sẽ làm gia tăng thêm các tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ hai,nhiều hoạt động kinh tế chính trong nước còn phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng như đầu tư công và đầu tư tư nhân. Xuất khẩu – động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu như tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng. Ngoài ra, chính sách thuế quan mới của Mỹ nhiều khả năng sẽ làm gia tăng lạm phát tại Mỹ và buộc Fed phải trì hoãn quá trình nới lỏng tiền tệ hoặc thậm chí quay sang thắt chặt. Điều này có thể làm cho áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn, và dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước trong thời gian tới.

Nhận định ngành Phát triển bất động sản năm 2025 sẽ cải thiện tích cực hơn theo chu kỳ phục hồi của thị trường. Tuy nhiên, những khó khăn, trở ngại và yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nếu không được giải quyết hiệu quả và triệt để, có thể dẫn đến hệ quả tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng. Điều này có thể sẽ làm phương hại đến quá trình tăng trưởng kinh tế và làm suy giảm sự ổn định tài chính quốc gia trong trung và dài hạn.

Thứ ba, để nền kinh tế phát triển ổn định trong ngắn và trung hạn và bền vững trong dài hạn. Bên cạnh việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, v.v. Việt Nam cần phải tiếp tục tạo lập các động lực tăng trưởng mới và nền móng phát triển vững chắc về thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, hạ tầng kinh tế số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Thứ tư, trong năm 2025, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, trong khi đó, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024 còn chưa đều. Đối với động lực đầu tư công, đầu tư công năm 2024 chưa thật sự tạo động lực bứt phá và tiếp tục gặp nhiều trở ngại trong quý I năm 2025. Đối với động lực tiêu dùng, chỉ số tiêu dùng trong nước chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào du lịch. Trong xuất khẩu, Việt Nam còn phụ thuộc chủ yếu vào nhóm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Động lực tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Nếu thị trường thế giới chưa phục hồi mạnh hoặc có những biến động lớn bất thường sẽ có những tác động trực tiếp (hoặc gián tiếp) nhất định đến khả năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ năm, tiêu dùng trong nước tuy có gia tăng, nhưng tăng không đáng kể, từ đó làm cho tổng cầu yếu. Cụ thể, bán lẻ hàng hóa có tốc độ tăng thấp nhất, đạt 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Và dự báo trong cuối năm 2025, người tiêu dùng trong nước sẽ vẫn tiếp tục hạ chi tiêu để gia tăng tiết kiệm, càng làm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tăng thấp hơn.

Thứ sáu, tỷ giá USD – VND biến động khó lường. Nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ nhu cầu tiêu dùng của Mỹ, với sản xuất hàng xuất khẩu phục hồi tích cực, nhưng dễ tổn thương trước sự suy giảm chi tiêu hộ gia đình Mỹ và thay đổi chính sách thương mại nhằm ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc qua các nền kinh tế trung gian. Việt Nam có tốc độ tăng xuất khẩu cao nhất vào thị trường Mỹ, dẫn đầu là hàng dệt may, giày dép, đồ nội thất bằng gỗ và máy móc.

Thứ bảy, huy động vốn đầu tư, nhất là phục vụ gia tăng đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP kinh tế theo mức chỉ tiêu phấn đấu khoảng 8% trong năm 2025 có thể sẽ gặp khó khăn, do cân đối thu – chi ngân sách còn hạn chế, dẫn đến số dư cho đầu tư còn ít. Điều này dẫn đến tiết kiệm của khu vực công, từ số dư của thu ngân sách so với chi ngân sách, gần như rất thấp, làm thiếu hụt nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ tám, thuế quan và các biện pháp phi thuế quan đều đang được áp dụng ngày càng nhiều trong thương mại quốc tế. Điều này càng gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường lớn thế giới. Năm 2024, ghi nhận 26 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài, tăng cao nhất trong giai đoạn 2020–2024, mà trong đó, Mỹ chiếm gần 50% tổng số vụ việc.

Thứ chín, thu nhập tăng chậm hơn giá nhà ở đặt ra thách thức lớn. Trong năm 2024, giá bất động sản liên tục gia tăng mạnh, dẫn đến kéo dãn khoảng cách giữa giá bất động sản so với mức thu nhập bình quân của người dân. Giá bất động sản gia tăng còn kéo theo giá thuê nhà tăng dẫn đến khả năng của các hộ gia đình tìm kiếm được một căn hộ phù hợp để thuê dài hạn, thay vì mua ngay sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Và khi nhu cầu nhà ở không được đáp ứng, ổn định xã hội sẽ chịu ảnh hưởng và tiềm ẩn các nguy cơ cho các vấn đề xã hội khác.

Thứ mười, Việt Nam đã và đang tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, bao gồm EVFTA và RCEP. Những FTA này mang lại lợi thế lớn cho xuất khẩu nhờ giảm thuế quan, mở rộng thị trường và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu nông sản, thủy sản, dệt may và điện tử đều tăng mạnh, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt hơn 390 tỷ đô la Mỹ. Các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe từ FTA cũng buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh lớn hơn trên thị trường quốc tế.

Mười một, kinh tế xanh và chuyển đổi số sẽ trở thành những ưu tiên chiến lược của Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Phát triển kinh tế xanh không chỉ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi thế lâu dài. Việt Nam đang và sẽ đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) và điện hạt nhân, với tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo dự kiến đạt khoảng 30% vào năm 2030.

Chuyển đổi số đóng vai trò không thể thiếu trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực áp dụng công nghệ số để tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải. Chính phủ cũng đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này.

Mười hai, nhận định tình hình chính sách thuế quan của các quốc gia trên thế giới còn có nhiều phức tạp, khó khăn và khó dự báo; không loại trừ khả năng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các đối tác sẽ từng bước làm thay đổi cấu trúc thương mại và đầu tư toàn cầu, định hình lại các chuỗi cung ứng, nhất là các công nghệ cao và các mặt hàng xuất khẩu chiến lược.

Trong đó, cạnh tranh chiến lược, xu thế bảo hộ thương mại, dịch chuyển đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao, gia tăng kiểm soát sẽ đẩy nhanh phân tách, phân mảng, đặc biệt về công nghệ. Điều này đặt các nền kinh tế đang phát triển ở vị thế ngày càng khó khăn, chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn về thương mại, thu hút đầu tư và tham gia hội nhập cân bằng, hiệu quả vào các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Ông Phùng Xuân Minh – Chủ tịch Saigon Ratings

Xem bài gốc trên báo Nhà Đầu tư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *