TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH MỚI (KỲ 2): TÍN NHIỆM VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ

Quản trị hiện đại, chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế…là những điều kiện để doanh nghiệp hoạch định chiến lược tài chính thích ứng bối cảnh mới.

Quản trị doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh

Tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp ngày càng trở nên cần thiết và rõ ràng hơn khi có hàng loạt doanh nghiệp trong nước và quốc tế rơi vào khủng hoảng, phá sản và sụp đổ uy tín trên thị trường đã gây tổn thất lớn về các giá trị hình ảnh thương hiệu, giá trị tài sản và đem đến nhiều hệ lụy pháp lý cho chính doanh nghiệp, cổ đông và đối tác hợp tác có nguyên nhân xuất phát từ các hành vi gian lận quản lý, không tuân thủ pháp luật và vi phạm các nguyên tắc, chuẩn mực quản lý doanh nghiệp của những người đứng đầu hoặc các nhân sự cấp cao của tổ chức. Những đóng góp liên quan đến những thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt nhất chỉ trở nên rõ ràng hơn khi đặt trong bối cảnh nền tảng của vai trò quản trị doanh nghiệp và mục tiêu của các điều kiện, tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất.

Tp Hcm

Việc thiết kế những tiêu chuẩn, chuẩn mực quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp,
tính hiện đại, chuyên nghiệp và thông lệ tốt nhất là yêu cầu đòi hỏi khách quan nhưng cần doanh
nghiệp đáp ứng để xây dựng công tác quản trị hiệu quả. Ảnh minh họa

Quản trị doanh nghiệp bao gồm một tập hợp đầy đủ hệ thống quản lý nội bộ, quy trình và thủ tục vận hành tổ chức nhằm điều phối hiệu quả các mối quan hệ giữa những cổ đông, nhà quản lý các cấp và tất cả các bên có liên quan cấu thành doanh nghiệp nói chung. Có rất nhiều cách để phân loại quản trị doanh nghiệp. Quản trị có thể được nhìn nhận dưới góc độ nội bộ hoặc từ bên ngoài doanh nghiệp. Cũng có thể phân chia thành quản trị quốc tế hoặc quản trị trong nước.

Mục đích của quản trị doanh nghiệp là trực tiếp kiểm soát các hoạt động của một tổ chức thông qua việc thiết lập cấu trúc, luật lệ, mô hình, nguyên tắc, quy tắc hệ thống thực hành  quản trị và quy trình ra các quyết định quản lý hiệu quả.

Các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhằm bảo vệ các nhà đầu tư tránh khỏi sự quản lý thiếu hiệu quả của công ty, những hành động quản lý không phù hợp với đạo đức kinh doanh và vi phạm pháp luật, cung cấp những thông tin quản lý và tài chính sai lệch và các hành vi làm ảnh hưởng đến danh tiếng thương hiệu doanh nghiệp.

Công tác quản trị, quản lý và kiểm soát doanh nghiệp là một vấn đề rất quan trọng và phức tạp. Vì thế, việc thiết kế những tiêu chuẩn, chuẩn mực quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp, tính hiện đại, chuyên nghiệp và thông lệ tốt nhất là yêu cầu đòi hỏi khách quan. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn nữa, là ngày nay các doanh nghiệp hoạt động trong bối cảnh, điều kiện và xu hướng cạnh tranh của các ngành kinh tế trong nước và quốc tế, ngày càng gia tăng tính khốc liệt và môi trường bên ngoài biến động thay đổi không ngừng.

Quản trị hệ thống kế toán theo chuẩn IFRS

Cũng liên quan đến quản trị doanh nghiệp, cần tăng cường vai trò của Ban kiểm soát đối với doanh nghiệp. Là đơn vị hoạt động độc lập với hội đồng quản trị trong các doanh nghiệp cổ phần, bản chất hoạt động của Ban kiểm soát là nhằm đảm bảo tính minh bạch, giám sát toàn diện trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, thiết lập và hoàn thiện hệ thống kế toán doanh nghiệp.

Thực hiện tốt yêu cầu kiểm toán nội bộ sẽ giúp hạn chế những hành vi can thiệp vào quy trình kế toán nhằm mục đích tư lợi của ban quản lý doanh nghiệp, cũng như giúp chuẩn hóa việc công bố thông tin.

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) nên đã phát sinh nhiều vấn đề không còn phù hợp với yêu cầu công tác quản trị tài chính nội bộ và thông lệ Kế toán – Tài chính của thế giới. Thực hiện lộ trình quy định của Chính phủ và Bộ tài chính đến năm 2025, thống nhất triển khai áp dụng hệ thống chuẩn mực Kế toán – Tài chính quốc tế IFRS cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam, trừ các đối tượng áp dụng IFRS hoặc chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án này, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên rà soát lại VFRS (Vietnam Financial Reporting Standards), cập nhật những thay đổi của IFRS để bảo đảm VFRS tiến đến các chuẩn mực theo IFRS vào năm 2025, phù hợp ở mức độ cao nhất với thông lệ thế giới.

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 412/QĐ – TTg ngày 31/3/2022 Phê duyệt Đề án cải thiện Xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030. Mục tiêu cụ thể của Đề án, là phấn đấu nâng Xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư, tương ứng Baa3 (đối với Moody’s) hoặc là BBB – (đối với S&P và Fitch) trở lên nhằm góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ đa mục tiêu phát triển kinh tế đất nước; đồng thời tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường quốc tế, được các tổ chức Xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá tốt hơn so với các mức tín nhiệm bị ảnh hưởng bởi giới hạn trần tín nhiệm quốc gia hiện nay (từ mức Ba2 hoặc BB+ trở xuống, tức là mức tín nhiệm đầu cơ).

Hiện nay Việt Nam được xếp hạng Ba2 bởi Moody’s, BB+ bởi S&P và BB bởi Fitch Ratings.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP và số 65/2022/NĐ-CP V/v Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Văn bản pháp luật này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát hành trái phiếu ở thị trường trong nước hoặc quốc tế để huy động vốn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hoặc là tái cấu trúc nợ của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần  thực hiện việc chuẩn hóa hồ sơ tổ chức phát hành và trái phiếu, từng bước tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, để có thể chủ động trong chiến lược phát hành trái phiếu ở thị trường trong nước hoặc là quốc tế.

Đây là một kênh huy động vốn rất cần thiết và quan trọng nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển doanh nghiệp trong trung hạn và dài hạn; trong khi điều kiện khả năng tiếp cận thu hút nguồn vốn từ các kênh thị trường chứng khoán và vay tín dụng của các Ngân hàng thương mại còn rất hạn chế.

Xep Hang Tin Nhiem

Nâng hạng tín nhiệm quốc gia đi cùng minh bạch qua xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là cần thiết
cho chiến lược hoạch định tài chính, thu hút đầu tư. Ảnh minh họa

Minh bạch thông tin hoạt động và sức khỏe doanh nghiệp

Điều này hướng đến nhằm từng bước nâng cao chất lượng quản trị tổ chức và chủ động tiếp cận, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Doanh nghiệp cần chú trọng đến tính toàn vẹn trong công tác quản trị, quản lý và công bố thông tin hoạt động theo định kỳ các vấn đề quan trọng, bao gồm các giá trị cốt lõi về triết lý và đạo đức kinh doanh, nền văn hóa tổ chức, hệ thống quy trình kiểm soát nội bộ nhằm tạo lập lòng tin, sự tin tưởng, hợp tác hiệu quả và mang lại các giá trị phù hợp cho các cổ đông, người lao động, nhà đầu tư và khách hàng.

Thực thi quản trị doanh nghiệp hiệu quả nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp có thể nhận được một mức sinh lời hợp lý cho các khoản đầu tư của họ.

Quản trị tổ chức và kết quả kinh doanh có quan hệ nội sinh và không độc lập với nhau. Từ đó, chúng ta cần thiết phải minh bạch thông tin hoạt động quản trị, quản lý và thực trạng sức khỏe của doanh nghiệp ở ngay trong nội bộ tổ chức và các đối tác hợp tác là rất cần thiết và có nhiều ý nghĩa tích cực. Minh bạch thông tin trong nội bộ doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa các yếu tố rủi ro, sự cố đáng tiếc có thể xảy ra như nảy sinh nghi ngờ nội bộ, suy giảm lòng tin, mất đoàn kết, xung đột lợi ích và khiếu kiện tranh chấp các quyền lợi…v.v.

Trong thực tế những vấn đề này, cũng đã xảy ra ở 1 số doanh nghiệp trong nước hoặc là doanh nghiệp hợp tác kinh doanh với nước ngoài. Từ đó, sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đến danh tiếng thương hiệu, thiệt hại nhiều mặt và rất nhiều vấn đề hệ lụy phức tạp cho doanh nghiệp.

Đối với bên ngoài doanh nghiệp, việc cung cấp các thông tin cần thiết và quan trọng cho các đối tác, nhà đầu tư như các báo cáo kiểm toán tài chính định kỳ hàng năm và/hoặc báo cáo đánh giá Xếp hạng tín nhiệm là rất cần thiết trong việc mời gọi hợp tác đầu tư, hoạt động M&A và phát hành chào bán trái phiếu ra thị trường trong nước hoặc quốc tế. Đây là các tài liệu tham khảo có tính chất thông lệ thế giới, khách quan và có độ tin cậy cao, từ đó các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu xem xét, đánh giá và đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp với nhu cầu và khẩu vị rủi ro.

“Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm, mời gọi và thu hút các nguồn lực vốn đầu tư phát triển từ bên ngoài, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của các tổ chức định chế tài chính hoặc doanh nghiệp quốc tế, thì cần phải đảm bảo tốt nhất các yêu cầu về hệ thống chính sách, tiêu chuẩn quản lý và hệ thống kiểm soát nội bộ một cách minh bạch và phù hợp với thông lệ quản trị quốc tế. Doanh nghiệp thu hút các nhà đầu tư dựa trên kỳ vọng đem lại các lợi ích kinh tế. Các lợi ích kinh tế có thể là cơ sở cho việc đánh giá sự hiệu quả của việc thực hiện hiệu lực quản trị, quản lý của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư đều có mối quan tâm chung về tinh thần trách nhiệm, đạo đức kinh doanh, sự chính trực, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các nhà quản lý doanh nghiệp. Quyền lực của doanh nghiệp được thực hiện bởi các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, nhân sự quản lý các cấp, những cổ đông chi phối và trong 1 số trường hợp là các bên liên quan như đối tác chiến lược, các nhà cung cấp tín dụng lớn, và/hoặc khách hàng.”

Kinh nghiệm phát triển ở các quốc gia tiên tiến, có thị trường trái phiếu phát triển thì việc Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, tổ chức phát hành và trái phiếu đã được trở thành văn hóa trong hoạt động kinh doanh. Các báo cáo đánh giá Xếp hạng tín nhiệm có tính chất tham khảo khách quan, chuẩn mực, có độ tin cậy cao, có tính cập nhật liên tục và là kết quả tổng hợp phản ánh các yếu tố rủi ro trọng yếu về vĩ mô, ngành kinh tế, quản trị, quản lý và tài chính của doanh nghiệp nhằm phục vụ cho các hoạt động quản lý nội bộ của tổ chức; hoặc là cung cấp thông tin tham khảo cho các Ngân hàng thương mại để đánh giá, thẩm định vay vốn tín dụng, với mức lãi suất phù hợp với chất lượng tín nhiệm; huy động vốn trái phiếu trên thị trường quốc tế và trong nước; IPO; hoạt động M&A và hợp tác đối tác phát triển kinh doanh.

Chất lượng tín nhiệm của mỗi doanh nghiệp là sự minh chứng về các giá trị, chất lượng và tốc độ tăng trưởng của từng doanh nghiệp hoặc tổ chức phát hành tài chính và phi tài chính trên thị trường; đồng thời có thể đánh giá đo lường được khả năng chịu đựng được các cú sốc bất lợi từ môi trường kinh doanh. Chất lượng tín nhiệm phản ánh khách quan về tính hiệu quả hoạt động kinh doanh trong lịch sử quá khứ và đồng thời cũng là dự báo khả năng thực hiện các nghĩa vụ nợ một cách đúng hạn và đầy đủ, trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của từng doanh nghiệp.

Xem bài đăng trên tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

 

Ông Phùng Xuân Minh – Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings