Tiềm năng từ khu vực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam

Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) ước tính rằng trung bình các quốc gia Đông Nam Á sẽ đầu tư khoảng 210 tỷ USD mỗi năm vào cơ sở hạ tầng cho đến năm 2030. Trung tâm Hạ tầng Toàn cầu ước tính Việt Nam sẽ cần 110 tỷ USD từ năm 2021 đến 2025 cho cơ sở hạ tầng để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững. Dựa trên những xu hướng trong quá khứ, ADB dự báo nguồn vốn mà Việt Nam thiếu hụt là 22 tỷ USD trong 5 năm, tương đương 12% GDP năm 2019. Với tình hình các nguồn tài trợ từ nước ngoài đang thu hẹp lại, Việt Nam cần thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình phát triển cơ sở hạ tầng.

Luồng tài chính phát triển trong Ngân sách Nhà nước

Các luồng tài chính cho phát triển thuộc Ngân sách nhà nước (NSNN) bao gồm: (1) nguồn thu NSNN; (2) vay nợ của Chính phủ; và (3) ODA và các luồng vốn chính thức khác.

Thu NSNN

Cho đến nay thu Ngân sách nhà nước là nguồn tài chính phát triển lớn nhất tại Việt Nam. Trong thập kỷ qua, nguồn thu này đã tăng lên nhanh chóng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, từ dưới 500 nghìn tỷ đồng trong năm 2010 lên hơn 1,400 nghìn tỷ đồng năm 2019. Chi tiêu của Chính phủ so với GDP vẫn duy trì ở mức cao, cơ cấu chi NSNN giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển ở tỷ lệ 70:30. Thâm hụt ngân sách hàng năm ở mức 3% GDP.

 

Hình 1. Thu Ngân sách Nhà nước 2010-2019

Nguồn: Bộ Tài chính

 

Vay nợ của Chính phủ

Nợ công của Việt Nam hiện nay gồm có nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công trên GDP có xu hướng giảm dần các năm gần đây, như năm 2017 là 62.6% GDP; năm 2018 là 61% GDP. Năm 2019 nợ công là 56.1% GDP, nợ Chính phủ 49.2% GDP. Như vậy, với quy mô GDP 2019 khoảng 6.2 triệu tỷ đồng (266.5 tỷ USD) thì quy mô nợ công tương ứng 3.48 triệu tỷ đồng.

Vốn ODA

Việt Nam là một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn ODA nhiều nhất thế giới. Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình và có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhiều nhà tài trợ song phương đã ngừng các chương trình tài trợ song phương như Hà Lan năm 2012; Thụy Điển năm 2013; Đan Mạch năm 2015; và DFID năm 2016. Năm 2017, Việt Nam đã “tốt nghiệp” phân loại quốc gia được hỗ trợ ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, và 18 tháng sau cũng ra khỏi danh mục phân loại tương đương của ADB. Vốn ODA đã sụt giảm mạnh từ năm 2014. Bên cạnh đó cơ cấu của luồng vốn ODA cũng có sự thay đổi, tỷ trọng vốn vay tăng lên, chiếm 70% tổng vốn trong năm 2012. Với thực tế các nguồn viện trợ đang dần trở nên kém ưu đãi, lãi suất tăng lên, kỳ hạn vay giảm xuống, các điều kiện ràng buộc ngày càng nhiều, Việt Nam hiện đang và sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cao của việc trả nợ.

 

Hình 2. Tổng vốn viện trợ chính thức (ODA) ở Việt Nam (2000 – 2017)

Nguồn: OECD

 

Nguồn tài chính khu vực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng

Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn cho đầu tư vào cơ sợ hạ tầng cộng với mức nợ công cao, trong khi nguồn tài trợ bên ngoài có xu hướng giảm, Việt Nam cần huy động tài chính từ khu vực tư nhân cho phát triển các dự án cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Phát triển Châu Á đưa ra ba phương án giúp Việt Nam huy động được nội lực của khu vực tư nhân, bao gồm: (1) sử dụng xúc tác nhiều hơn cho hỗ trợ phát triển; (2) sử dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); và (3) huy động tốt hơn các thị trường vốn trong nước.

Hiên nay, điểm nghẽn của đầu tư khu vực tư nhân vẫn là vốn do khu vực này gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng trong khi thị trường trái phiếu còn sơ khai. Một số bộ luật đang dần được hoàn thiện để hỗ trợ cho khu vực tư nhân phát huy được tiềm lực của mình.

Quốc Hội đã xem xét dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào năm 2019 và dự kiến sẽ thông qua vào tháng 5/2020. Các doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đối tác công tư để thực hiện dự án được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn thực hiện dự án. Nghị định 163/2018/NĐ-CP là một bước tiến về mặt pháp lý trong việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, tuy nhiên Nghị định chỉ dừng lại các trường hợp phát hành riêng lẻ. Luật Chứng khoán mới năm 2019 tạo tiền đề cho việc phát hành trái phiếu ra công chúng, trong đó quy định các chủ thể phát hành trái phiếu ra công chúng phải thông qua bước xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, đến năm 2021 thì Luật mới chính thức có hiệu lực và thị trường vẫn đang chờ Nghị định hướng dẫn thi hành từ Chính phủ.

Xếp hạng tín nhiệm là bước cần thiết để sàng lọc, phân loại chất lượng trái phiếu doanh nghiệp để giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin trong quá trình ra quyết định đầu tư, góp phần tăng tính minh bạch của thị trường. Ngoài ra, khi được xếp hạng tín nhiệm thì các doanh nghiệp không đủ chất lượng sẽ ít có động cơ phát hành trái phiếu và trái phiếu các doanh nghiệp tốt sẽ được đưa ra thị trường; từ đó góp phần làm tăng chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khi thị trường có nguồn cung chất lượng cao thì các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn đầu tư và nguồn lực còn tiềm ẩn trong dân cư và doanh nghiệp sẽ được phát huy. Do vậy, Chính phủ cần tạo một thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm để có nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc xếp hạng, tạo nên sự cạnh tranh và nâng cao chất lượng của xếp hạng tín nhiệm.

 

Danh mục tài liệu tham khảo:

  1. Các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (2014). Tài chính phát triển phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của việt nam khi trở thành nước thu nhập trung bình – Tài chính phát triển cho việt nam: Đáp ứng các thách thức mới. Hanoi.
  2. Donald Lambert (2020, February). Building Viet Nam’s bridge to greater economic growth and development. Retrieve from: https://blogs.adb.org/blog/building-viet-nam-s-bridge-greater-economic-growth-and-development
  3. Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia (2019, July 15). Báo động tình trạng giải ngân thấp vốn ODA. Retrieve from: http://nfsc.gov.vn/vi/bao-dong-tinh-trang-giai-ngan-thap-von-oda/
  4. Open Development Vietnam (2018, October 12). Viện trợ phát triển. Retrieve from: https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/aid-and-development/

 

Nguyễn Thị Quý Nhi

Chuyên viên phân tích – Phatthinh Rating