Kinh tế Việt Nam 2020 – Lạc quan trong thận trọng

Sự lạc quan là chìa khóa để duy trì tăng trưởng

Kinh tế thế giới năm 2019 chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu. IMF đã hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 2.6%, giảm 0.3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong đó, nhóm các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển (EMDEs) tăng trưởng chậm lại với mức 4.0% – thấp nhất trong vòng 4 năm – và thấp hơn 0.3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của IMF. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3.0% so với mức 3.1% của năm 2018. Bối cảnh kinh tế thế giới năm 2019 có nhiều biến động: chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn chưa có hồi kết, nước Anh và tiến trình ra khỏi EU, các cuộc bầu cử tại các nền kinh tế lớn tiềm ẩn những thay đổi trong chính sách. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7.02%, là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

Với độ mở của nền kinh tế rất lớn (hơn 200% GDP) thì việc các nền kinh tế lớn giảm tốc trong năm 2019 và dự báo năm 2020 sẽ tác động tiêu cực lên tổng cầu và đầu tư của cả nền kinh tế. Đặc biệt, dịch bệnh do virus corona gây ra bùng phát từ tháng 12/2019 tại Trung Quốc và đang lan ra một số quốc gia khác đã gây ra xáo trộn mạnh mẽ trong đời sống kinh tế và xã hội toàn cầu. Tâm lý bất an bao trùm lên người dân ở các quốc gia trong vùng dịch. Sự bất an này tác động tiêu cực lên kỳ vọng về tiêu dùng và đầu tư của các doanh nghiệp và người dân. Hơn nữa, xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên việc thị trường này giảm sút cũng tác động không nhỏ lên tình hình sản xuất trong nước. Tuy nhiên, khi dịch bệnh nCoV được khống chế và nền kinh tế Trung Quốc phục hồi dậy sau khủng hoảng nCoV thì đây là một cơ hội để các nhà sản xuất Việt Nam tăng cường sản xuất và xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, việc phát huy sức tiêu dùng trong nước cần phải được đẩy mạnh để bù đắp những giảm sút từ thị trường thế giới. Bước sang năm 2020 kinh Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động của những điều kiện bất lợi từ bên ngoài, do vậy tinh thần lạc quan và niềm tin của khu vực doanh nghiệp và người dân sẽ là một nhân tố quan trọng giúp duy trì mức tăng trưởng kinh tế.

 

Cải cách thể chế mạnh mẽ

Với góc độ một công ty xếp hạng tín nhiệm (XHTN), chúng tôi nhận thấy Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và duy trì sự lạc quan và niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và trong người dân. Trong năm 2019, XHTN Việt Nam đón nhận một “điểm cộng” và một “điểm trừ”. “Điểm cộng” đó là vào tháng 6 tổ chức XHTN S&P Global Rating đã nâng bậc XHTN của Việt Nam từ BB- lên BB sau 9 năm. Trong báo cáo nâng bậc XHTN, S&P Global Rating đã nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định cũng như những nỗ lực cải cách thể chế là những điểm mấu chốt trong quyết định nâng hạng. Điều này cũng được chứng minh trong “Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2019” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam có sự tăng bậc mạnh so với năm 2018. Cụ thể, nhóm tiêu chí Thể chế tăng 5 bậc, trong đó có 2 chỉ tiêu có mức độ cải thiện quan trọng là Chỉ tiêu độc lập tư pháp (đạt 40.9 điểm, xếp hạng 85, cải thiện 0.7 điểm và tăng 7 bậc so với năm 2018) và Quyền sở hữu trí tuệ, nhưng mức điểm vẫn còn ở mức thấp (đạt 44.4 điểm, xếp hạng 105, tăng 2.2 điểm, giữ nguyên thứ hạng so với năm trước). Tuy cải thiện nhẹ nhưng cũng cho thấy sự kỳ vọng và niềm tin của doanh nghiệp với nhóm chỉ tiêu này đã tích cực hơn.

“Điểm trừ” là vào tháng 12 tổ chức XHTN Moody’s đã hạ bậc triển vọng của Việt Nam từ “ổn định” xuống mức “tiêu cực”. Nguyên nhân được dẫn ra là sự chậm trễ trong việc trả nợ Chính phủ. Bộ Tài chính đã có phản hồi đây là một khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh và được phân vào nhóm nợ dự phòng và sự chậm trễ xuất phát từ công tác hành chính. Theo ý kiến của chúng tôi, mặc dù việc chậm trễ trả nợ không xuất phát từ năng lực tài chính của Chính phủ nhưng nó thể hiện những bất cập trong sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong việc đảm bảo tuân thủ lịch trả nợ. Việc bị hạ mức triển vọng tuy chưa nghiêm trọng như việc hạ bậc XHTN nhưng chúng ta cần phải hết sức thận trọng vì bất kỳ một sai sót nào trong tương lai cũng sẽ có khả năng cao dẫn đến việc hạ bậc XHTN. Qua đó, chúng tôi cho rằng, Chính phủ phải tiếp tục cải thiện về thể chế, đặc biệt là tinh giản và hợp lý hóa các thủ tục hành chính. Hơn nữa, việc đẩy mạnh hoàn thiện các bộ luật và văn bản luật đễ cập nhật với tình hình thực tế là cần thiết trong tiến trình cải cách thể chế.

Năm 2020 dự báo sẽ là một năm nhiều thách thức với kinh tế Việt Nam. Tuy rằng kinh tế thế giới đang có nhiều điểm tối và dịch bệnh nCoV đang lây lan nhưng theo sau nó là sự phục hồi khi dịch bệnh được khống chế và nền kinh tế Trung Quốc khởi động lại sau thời gian đình trệ. Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa những cải cách thể chế và chủ động phát huy nội lực để ứng phó với sự chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Nguyễn Thị Quý Nhi

Chuyên viên phân tích – Phatthinh Rating