Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, riêng năm 2012 có 43 doanh nghiệp đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng 33.737 tỷ đồng theo hình thức riêng lẻ, thực tế đã phát hành 24.328 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (“TPDN”) chưa hoàn chỉnh, chưa là kênh huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp, quy mô thị trường còn nhỏ và tính thanh khoản còn hạn chế là do chưa có doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư vào TPDN do thiếu thông tin về rủi ro của TPDN, hay thông tin để xác định được mức lãi suất hợp lý, …
Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn ngoài kênh ngân hàng. Tuy nhiên, tính đến năm 2011, mới có 18 doanh nghiệp nhà nước (“DNNN”) phát hành TPDN với tổng giá trị phát hành 43.000 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp tư nhân cũng công bố phát hành TPDN nhưng mức độ thành công chưa được thống kê.
Theo giải thích của một cán bộ Vụ Tài chính – Ngân hàng (Bộ Tài chính), với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, Nghị định không có cơ chế, chế tài về báo cáo kế hoạch và kết quả phát hành.
Tháng 10/2011, Nghị định 90/2011/NĐ-CP thay thế Nghị định 52/2006/NĐ-CP, những bất cập nêu trên đã được khắc phục theo hướng, doanh nghiệp đăng ký phương án phát hành TPDN và phải được Bộ Tài chính và chủ sở hữu doanh nghiệp chấp thuận. Nhờ đó, thống kê về lượng doanh nghiệp trong nước phát hành TPDN tăng đáng kể.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, riêng năm 2012 có 43 doanh nghiệp đăng ký phát hành TPDN với khối lượng 33.737 tỷ đồng theo hình thức riêng lẻ, thực tế đã phát hành 24.328 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2013, các con số tương ứng là 19.036 tỷ đồng và 8.279 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, quy mô của thị trường TPDN hiện nay vẫn còn rất nhỏ so với tiềm năng và so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, giao dịch thứ cấp trên thị trường gần như không có.
Ông Đỗ Việt Dũng (Vụ Tài chính – Ngân hàng) lưu ý thêm, việc xác xếp hạng lãi suất TPDN không có quy chuẩn nào vì thiếu cơ sở đánh giá doanh nghiệp. “Có thể lãi suất phản ánh được một phần về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, nếu uy tín thấp thì mức lãi suất sẽ cao hơn. Nhưng nó không phản ánh được rõ và không định hướng cho thị trường rõ cách thức định giá đối với các trái phiếu này”, ông Dũng nói.
Đồng tình quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ thị trường TPDN chưa hoàn chỉnh, chưa là kênh huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp, quy mô thị trường còn nhỏ và tính thanh khoản còn hạn chế là do chưa có doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư vào TPDN do thiếu thông tin về rủi ro của TPDN, hay thông tin để xác định được mức lãi suất hợp lý…
Cũng vì lý do các nhà đầu tư bên ngoài quá thiếu thông tin về doanh nghiệp trong khi các ngân hàng có quan hệ tín dụng lâu năm hơn, am hiểu hơn về tình hình tài chính cũng như triển vọng kinh doanh… nên phía bên mua TPDN hiện nay chủ yếu lại là các ngân hàng. Ông Đỗ Việt Dũng cho biết, trong số TPDN phát hành của năm 2012 và 2013, 100% do các NHTM mua và nắm giữ.
“Mục tiêu của chúng ta phát triển thị trường TPDN là giúp doanh nghiệp ra thị trường huy động vốn bằng cách phát hành công cụ nợ và đa dạng hóa người mua trái phiếu. Nhưng nếu như chỉ tập trung vào hệ thống NHTM thì sự phụ thuộc vào thị trường vốn tín dụng còn lớn và mục tiêu phát triển thị trường TPDN chưa đạt được thỏa đáng”, ông Dũng cho hay.
Giới chuyên gia phân tích, hiện trạng nêu trên là hệ quả của hệ thống quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, bởi đi liền với doanh nghiệp phát hành là khó khăn về các vấn đề liên quan tới báo cáo tài chính, hệ thống quản trị rủi ro, đặc biệt vấn đề công bố thông tin… Để xử lý vấn đề này, theo bà Phan Thị Thu Hiền (Phó vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân hàng), Bộ Tài chính đang hoàn chỉnh dự thảo Nghị định thành lập và hoạt động doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Việc ban hành Nghị định này được cho là bước đi rất quan trọng nhằm phá tan tảng băng giao dịch thấp của thị trường TPDN.
Theo đó, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện với yêu cầu hoạt động và tính chất hoạt động đặc thù nên doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật về doanh nghiệp, về chứng khoán và kế thừa kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm trong khối nước ASEAN có sự phát triển tương đồng về tài chính với Việt Nam. Đồng thời, Nghị định phải phù hợp với sự phát triển của thị trường và đồng bộ hóa khuôn khổ pháp lý, dần tiến tới chuẩn mực của thế giới.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định loại hình thực hiện dịch vụ này là công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc CTCP có vốn pháp định 15 tỷ đồng. Cổ đông hoặc thành viên góp vốn là cá nhân, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài. Trong đó, tổng tỷ lệ sở hữu của mỗi tổ chức, cá nhân góp vốn và người có liên quan ít hơn 20% vốn thực góp của DOANH NGHIỆP xếp hạng tín nghiệm; tổng giám đốc, giám đốc công ty phải có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc thống kê…
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ được sử dụng rộng rãi và chắc chắn tác động lớn đến thị trường vốn. Cụ thể là tác động trực tiếp đến giá giao dịch của các công cụ nợ được xếp hạng tín nhiệm; đến quyết định đầu tư vào công cụ nợ; đến quyết định huy động vốn của các tổ chức phát hành… Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, việc đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động xếp hạng tín nhiệm là điểm then chốt để kết quả xếp hạng tín nhiệm phát huy được vai trò trong thị trường vốn.
(Nguồn: Theo Thời báo ngân hàng, 24/07/2013)