Sinh viên trường Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) tìm hiểu về ngành nghề Xếp hạng tín nhiệm

“Tổng quan về nền kinh tế và thị trường tài chính tại Việt Nam”, “Thị trường trái phiếu”, “Sơ bộ thông tin nghiệp vụ xếp hạng tín nhiệm tại Saigon Ratings” là ba nội dung chính được trình bày và trao đổi tại hội thảo “Credit Rating” do Khoa Tài chính – Thương mại phối hợp với công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (Saigon Ratings) tổ chức vào sáng ngày 24/6.
Hội thảo nhằm trang bị cho sinh viên nhóm ngành tài chính nói riêng và sinh viên UEF nói chung những kiến thức cơ bản về ngành nghề xếp hạng tín nhiệm, đặc biệt là triển vọng của ngành này tại Việt Nam, những yếu tố cần trang bị khi muốn tham gia vào lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm; đồng thời tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa sinh viên UEF với doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường tự do học thuật.

Tham dự chương trình, về phía Saigon Ratings có ông Nguyễn Đức Phú – Phó Giám đốc chuyên môn; ông Võ Tấn Đức – Chuyên viên phân tích cao cấp phòng xếp hạng tín nhiệm và công cụ nợ; bà Trần Thị Thùy Linh – Chuyên viên phân tích cao cấp phòng xếp hạng tín nhiệm và công cụ nợ; bà Đào Minh Thủy – Chuyên viên phân tích cao cấp phòng xếp hạng tín nhiệm và công cụ nợ; bà Võ Ngọc Thanh Ngân – Thư ký chuyên môn; Về phía UEF có TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Ban chủ nhiệm, giảng viên và sinh viên Khoa Tài chính – Thương mại.

Tại buổi hội thảo, bức tranh tổng quan về nền kinh tế và thị trường tài chính trong và ngoài nước đã được bà Đào Minh Thủy chia sẻ đến các bạn sinh viên. Bà cho biết, tăng trưởng GDP thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại khi phải đối mặt với sự bất định về tình hình kinh tế xã hội (xung đột Nga – Ukraine; chiến lược Zero Covid tại Trung Quốc; chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn; lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương lớn).

Tại Việt Nam, dự báo với kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5.5 – 6% năm 2022 và ở kịch bản tiêu cực, GDP chỉ tăng ở mức 4.5 – 5%. Với kịch bản tích cực, GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 6 – 6.5% năm 2022 và 6.5 – 7% năm 2023.
Tiếp đó, ông Võ Tấn Đức đã giới thiệu về thị trường trái phiếu tại Việt Nam và 4 nhóm nhà đầu tư chính tham gia giao dịch trên thị trường trái phiếu. Theo đó, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam hiện tại rơi vào khoảng 27.5 triệu tỉ đồng, tương đương 328% GDP. Riêng thị trường trái phiếu, tổng dư nợ tính đến 5/2022 đạt 3.3 triệu tỉ đồng.

Có 4 nhóm nhà đầu tư chính tham gia giao dịch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp: các tổ chức tín dụng; các công ty chứng khoán; các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp; các cá nhân và tổ chức khác.

Ngoài ra, bà Trần Thị Thùy Linh cũng đã giới thiệu sơ bộ thông tin nghiệp vụ xếp hạng tín nhiệm tại Sài Gòn Phát Thịnh Ratings. Saigon Ratings là tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập (Credit Rating Agency – CRA), đã đi đầu tiên phong trong thị trường tài chính và được Bộ Tài chính cấp Giấy phép hoạt động đầu tiên; đồng thời là tổ chức CRA nội địa đầu tiên, đã thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm ở thị trường Việt Nam.

Buổi hội thảo đã cung cấp cho sinh viên những góc nhìn, kiến thức thực tế về thực trạng xếp hạng tín nhiệm tại các quốc gia; tổng quan về nền kinh tế và thị trường Việt Nam; cũng như triển vọng về thị trường xếp hạng tín nhiệm. Từ đó giúp các bạn sinh viên UEF có những định hướng rõ ràng hơn trong quá trình học tập và nghề nghiệp tương lai.

 

Theo website trường Đại học Kinh tế Tài chính