Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm lên BB, làm sao để duy trì mức xếp hạng

Nâng hạng tín nhiệm quốc gia sẽ giúp chính phủ vay tiền với lãi suất thấp hơn, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam tốt hơn, nhưng nâng mức tín nhiệm là một chuyện, duy trì xếp hạng đó mới là quan trọng.

 

Vùng không khuyến khích đầu tư

Ngày 5-4 vừa qua, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard and Poors (S&P) đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ mức BB- lên mức BB với mức triển vọng “Ổn định” sau 9 năm kể từ tháng 12-2010.

Theo đánh giá của S&P, Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhưng tăng trưởng nhanh và có nền kinh tế đa dạng. Tốc độ tăng GDP thực đạt trung bình 6,2% mỗi năm kể từ 2012. Những năm gần đây, các chính sách của Chính phủ giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng kiểm soát lạm phát.

Việc tổ chức S&P nâng bậc tín nhiệm, theo ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating, là tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. Đây được cho là thành quả từ cải cách thể chế và kinh tế của Chính phủ thời gian qua.

Kết quả mức tín nhiệm quốc gia của S&P được đưa ra dựa trên việc phân tích hai yếu tố: (1) đặc điểm thể chế và kinh tế quốc gia; và (2) tính linh hoạt và hiệu quả. Trong đó, yếu tố thứ nhất được đánh giá dựa trên thể chế chính trị và tình hình kinh tế của quốc gia. Yếu tố thứ hai được dựa trên ba yếu tố gồm: vị thế kinh tế đối ngoại, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Điểm nhấn trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm của S&P, theo ông Minh là vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam được đánh giá ở mức “ổn định”, tức Chính phủ có khả năng đảm bảo an toàn việc chi trả các khoản nợ nước ngoài tốt hơn.

“Chỉ số này sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí huy động vốn từ nước ngoài, giảm nguy cơ khủng hoảng nợ của quốc gia – ít nhất trên phương diện nợ nước ngoài”, người đứng đầu Công ty Sài Gòn Phát Thịnh Rating nói.

Khả năng thanh khoản của Việt Nam cũng được đánh giá là “tốt” khi nhu cầu thanh khoản nước ngoài được dự báo ở mức 90% cho giai đoạn 2018-2021, nghĩa là Việt Nam vẫn đảm bảo nguồn thu ngoại tệ để thực hiện các thanh toán quốc tế.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), quý 1-2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu mua ròng ngoại hối, nâng kỷ lục dự trữ ngoại hối quốc gia vượt ngưỡng 65 tỉ đô la Mỹ vào cuối quý 1. Đây là một tín hiệu đáng mừng để gia tăng khả năng điều hành, duy trì nền kinh tế vi mô.

Tình hình nợ quốc tế của Việt Nam cũng được S&P đánh giá có sự cải thiện, kỳ vọng ở mức trung bình 9.4% cho giai đoạn 2018-2021. Nợ nước ngoài, tuy chiếm 40% trong cơ cấu nợ quốc gia năm 2017, nhưng đa phần các khoản nợ là dài hạn, các khoản vay thương mại chiếm tỷ trọng thấp. Đồng thời, việc tăng dự trữ ngoại hối và tài khoản vãng lai (CAR-nguồn tiền thu được từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ) sẽ làm giảm áp lực nợ nước ngoài.

“Cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối cải thiện cộng với dòng vốn FDI tăng trưởng, giúp Việt Nam có nguồn ngoại tệ thực hiện nghĩa vụ nợ quốc tế”, ông Minh nói.

Đánh giá về lần tăng hạng tín nhiệm lần này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay, đây là tín hiệu tích cực, giúp chính phủ vay tiền với lãi suất thấp hơn; nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, khoảng thời gian 10 năm để nâng hạng tín nhiệm là quá dài. Hơn nữa, điểm BB vẫn thuộc hạng “không khuyến khích đầu tư” và còn mang tính “đầu cơ”.

“Tôi hy vọng Việt Nam sẽ không mất tới 10 năm nữa để vượt ra được vùng không khuyến khích đầu tư này”, ông Hiếu nói.

Duy trì được không dễ

Việc được nâng mức tín nhiệm là một chuyện nhưng việc duy trì thứ hạng này cũng không kém phần quan trọng. Thực tế, nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều hạn chế cần được tiếp tục khắc phục.

Sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào các sản phẩm gia công mang lại giá trị gia tăng thấp, nằm ở đáy trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Hơn nữa, nền kinh tế trong nước còn phụ thuộc quá lớn vào khối FDI.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý 1 đạt 57,51 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu, đạt 41,46 tỉ đô la Mỹ, chiếm 70,9% tổng kim ngạch, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Dòng vốn ngoại này nếu “khăn gói” rời khỏi Việt Nam sẽ để lại lỗ hổng lớn khó có thể bù đắp cho nền kinh tế.

Để duy trì được mức xếp hạng vừa được S&P công bố, Việt Nam cần có các chính sách cải thiện năng suất lao động và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa. Đây là bài học kinh nghiệm đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, bắt đầu từ Thái Lan năm 1997.

“Trong trường hợp một cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra, dòng vốn FDI thoái lui, việc hàng hóa nội địa vẫn duy trì được sức cạnh tranh sẽ giảm nhẹ được cú sốc suy thoái kinh tế”, ông Minh nói và cho biết thêm: “Khi đó, chính phủ vẫn đảm bảo được sự ổn định trong khả năng thanh khoản quốc tế của mình”.

Việt Nam cũng cần đặc biệt quan tâm tới việc tái cơ cấu ngân sách nhằm kiểm soát bội chi và gia tăng tiết kiệm trong nước.

Theo VERP, tổng thu ngân sách nhà nước quý 1 đạt 381 nghìn tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó thu nội địa vẫn đóng góp nhiều nhất với 315,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 80,8 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng thời điểm năm 2018. Chi ngân sách đạt 315,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa thặng dư quý 1 đạt 65,4 nghìn tỷ đồng.

Tuy vậy, áp lực bội chi vẫn rất lớn khi nhiều công trình cơ sở hạ tầng cần phải đầu tư trong thời gian tới. Trong trường hợp nhu cầu chi tiêu của chính phủ không thể đáp ứng bởi nguồn tiết kiệm trong nước, Chính phủ sẽ phải tìm các nguồn tài trợ từ bên ngoài. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy làm gia tăng nợ nước ngoài cũng như các tác động bất lợi khi kinh tế thế giới rơi vào chu kỳ suy thoái.

Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa tính minh bạch và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay quốc tế, bên cạnh các giải pháp khuyến khích tiết kiệm, theo Sài Gòn Phát Thịnh Rating.

Đây là kinh nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng nợ của các quốc gia khu vực Mỹ La Tinh vào đầu thập niên 1980 và của Hy Lạp thời điểm 2007-2008. Những quốc gia này đều vỡ nợ vì thâm hụt ngân sách trong thời gian dài kết hợp sự bất cẩn và thiếu minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay.

Theo Vũ Dung

TBKTSG Online