Minh bạch thông tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Sự cần thiết phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Hiện nay, ở Việt Nam khu vực ngân hàng vẫn đóng vai trò như kênh cấp vốn chính cho nền kinh tế, đáp ứng 84% vốn cung ứng ra thị trường.  Tuy nhiên, do e ngại trước rủi ro nợ xấu và tỷ lệ tín dụng trên GDP đang ở mức cao, (khoảng 130% GDP), Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với hệ thống ngân hàng. Theo đó, từ đầu năm 2019, các ngân hàng chỉ còn được phép dùng 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; các lĩnh vực nhiều rủi ro như chứng khoán và bất động sản cũng sẽ bị hạn chế cho vay. Trong bối cảnh đó, việc phát triển thị trường trái phiếu vừa nhằm giảm tải áp lực cho hệ thống ngân hàng vừa góp phần giải bài toán vốn trung và dài hạn; đồng thời đa dạng hóa kênh đầu tư của người dân.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ so với thị trường các nước trong khu vực và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ở Việt Nam được hình thành từ năm 1994 với việc Chính phủ ban hành Nghị định 20/CP ngày 17/9/1994 và một số đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp Nhà nước. Đến năm 2006, thị trường TPDN Việt Nam bắt đầu có sự phát triển sau khi khung pháp lý được dần hoàn thiện. Tuy nhiên, từ đó đến nay thị trường TPDN Việt Nam vẫn chỉ ở mức khiêm tốn với quy mô 8.5% GDP vào năm 2018 so với mức bình quân trong khu vực là 22%. Quy mô thị trường trái phiếu bằng nội tệ của Việt Nam đạt 51.4 tỷ USD vào quý I/2019 trong đó trái phiếu chính phủ chiếm 91.6%, khá nhỏ bé so với thị trường các nước khu vực Đông Nam Á như Indonesia (217 tỷ USD), Malaysia (353 tỷ USD), Thái Lan (399 tỷ USD).

Điểm tích cực mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng thị trường trái phiếu Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng dư nợ lần lượt ở mức 23.2% và 31.9% vào năm 2018 và 2019 (theo số liệu của ADB). Mặt khác, việc phát hành trái phiếu vẫn tập trung vào hình thức phát hành riêng lẻ, mà nhà đầu tư chính là các ngân hàng thương mại, dẫn tới rủi ro cho các ngân hàng và không giúp giảm tải huy động vốn trung và dài hạn qua ngân hàng. Ngoài ra, việc các nhà đầu tư tổ chức chiếm vị trí chủ đạo trong đầu tư trái phiếu cho thấy các nhà đầu tư cá nhân đang thiếu thông tin về thị trường này.

 

Minh bạch thông tin với nhà đầu tư

Các hoạt động đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai của doanh nghiệp và triển vọng kinh tế nói chung. Vì vậy, việc minh bạch thông tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiêp là điều kiện tối quan trọng để khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các chủ thể đầu tư, bao gồm chuyên nghiệp, không chuyên và nhà đầu tư cá nhân; từng bước khuyến khích động viên các nguồn lực xã hội tham gia thị trường trái phiếu tạo nguồn cung cho thị trường. Việc minh bạch thông tin cũng đồng thời góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia.

Nghị định 163/2018/NĐ-CP được ban hành thay thế cho Nghị định 90/2011/NĐ-CP nhằm tạo dựng khuôn khổ pháp lý mới cho việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, có quy định cụ thể về trách nhiệm công bố thông tin của tổ chức phát hành cho nhà đầu tư và Sở Giao dịch chứng khoán. Song chúng tôi cho rằng cần tăng cường công tác giám sát, quản lý Nhà nước đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ theo Nghị định 163 để thúc đẩy tính minh bạch của thị trường. Đồng thời, từ kinh nghiệm của Malaysia, để phát triển thành công thị trường trái phiếu, cần có sự phân tách rõ ràng nhiệm vụ quản lý, giám sát, duy trì hoạt động và báo cáo về trái phiếu giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, một vấn đề không kém quan trọng là khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trái phiếu. Kinh nghiệm của các quốc gia có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển cho thấy hoạt động niêm yết trái phiếu doanh nghiệp đươc khuyến khích tối đa. Ví dụ, thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ niêm yết lên đến 99%. Tuy nhiên, hiện nay các giao dịch trái phiếu tự thỏa thuận (hình thức OTC) vẫn chiếm đa số, số lượng doanh nghiệp niêm yết trái phiếu tại Sở Chứng khoán rất ít. Việc phát triển hệ thống niêm yết thông tin trái phiếu doanh nghiệp, hệ thống giao dịch và hệ thống thông tin định giá trái phiếu tại SGDCK Hà Nội (HNX) cần được thúc đẩy hơn.

Hiện nay, Việt Nam đang thiếu các tổ chức trung gian của thị trường tài chính, dẫn tới việc thiếu minh bạch thông tin và chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm chưa thật sự có vị trí và vai trò quan trọng trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp như các thị trường tài chính phát triển. Do vậy bản chất của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay mang nhiều bản chất của thị trường tín dụng hơn là thị trường của công cụ đầu tư. Việc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu phát hành ra công chúng là bắt buộc đối với các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc bắt buộc này đã được thị trường Malaysia áp dụng và từng bước nới lỏng tiêu chuẩn xếp hạng cho đến khi được hủy bỏ vào năm 2017. Hiện nay ở Việt Nam có Công ty Cổ phần Phatthinh Rating (PTR) là tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập đầu tiên, được Bộ Tài chính cấp phép; đến nay đã chính thức cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho một số doanh nghiệp trong nước và FDI.

Tuy định mức tín nhiệm trái phiếu là một kênh thông tin tham khảo cho các nhà đầu tư, nhưng thông tin này đóng vai trò lớn trong việc giúp các nhà đầu tư so sánh mức độ rủi ro và định giá các trái phiếu. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đang ở trong giai đoạn sơ khai, quy mô nhỏ, hàng hóa ít; do vậy, việc xếp hạng tín nhiệm đối với các trái phiếu phát hành ra công chúng nên bắt đầu ở hình thức khuyến khích và tiến dần tới bắt buộc khi thị trường phát triển cao hơn khi mà lượng hàng hóa đã đa dạng hơn và lượng nhà đầu tư tham gia đông đảo hơn.

Nguyễn Thị Quý Nhi

Nguyễn Hồng My

Chuyên viên phân tích – Phatthinh Rating